Áo dài và nón lá nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt

Áo dài nón lá đã trở thành nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đây là hình ảnh mỗi khi bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam. Tà áo dài kín đáo kèm theo chiếc nón lá duyên dáng nhằm tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Á Đông. Sau đây, cùng Tài Lộc Wedding tìm hiểu về tà áo dài và nón lá để biết thêm về biểu tượng đặc sắc của người Việt.

Lịch sử áo dài và nón lá

Gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt, từng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm thơ ca, chiếc nón lá và tà áo dài đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến văn hóa Việt, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt khi nhớ về.

Không giống các trang phục truyền thống của các quốc gia láng giềng như kimono Nhật Bản, Hanbok Hàn Quốc, Sari Ấn Độ,… đòi hỏi sự cầu kỳ khi mặc, chiếc áo dài Việt Nam vừa đơn giản, gọn gàng, tiện dụng mà vẫn toát lên thần thái thanh lịch. Chính vì lý do đó mà tà áo dài Việt đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống văn hóa người Việt, không chỉ được diện vào các dịp truyền thống như Lễ Tết, cưới xin mà còn được ưa chuộng trong cuộc sống thường ngày.

Chiếc áo dài, trải qua nhiều biến cố, nhiều hình thái, theo thời gian đã gắn chặt với tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa Việt, đại diện cho một thế hệ người Việt biết gạn đục khơi trong, chắt chiu và gìn giữ những giá trị tinh túy nhất của nhân loại.

Áo dài đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và trở thành hình tượng điển hình trong thơ ca. Áo dài theo bước chân chúng ta đến trường, áo dài đi khắp mọi nẻo đường của Tổ Quốc, áo dài xuất hiện trong các sự kiện quốc tế, theo chân Việt Kiều hiện diện khắp năm châu.

Khởi nguồn của áo dài từ đâu, có lẽ nhiều người không còn nhớ. Người ta chỉ biết rằng hình ảnh áo dài phất phơ trong gió đã xuất hiện trên khắp các cổ vật được truyền lại từ hàng ngàn năm trước, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh,… Chiếc áo dài xưa nhất bắt nguồn từ áo giao lãnh, có hình dáng tương tự như áo tứ thân. Nhưng với kết cấu rườm rà, không tiện lợi cho công việc đồng áng, buôn bán nên áo giao lãnh đã nhanh chóng bị biến đổi, trải qua một thời gian dài, trở thành chiếc áo dài mang dáng dấp như hiện nay.

Kiểu áo dài truyền thống của Việt Nam ngày nay không những dung hòa được toàn bộ nét đẹp của cái cũ và cái mới mà còn góp phần tôn vinh nét đẹp duyên dáng, thanh lịch, yêu kiều của người phụ nữ Việt. Trải qua gần 1 thế kỷ với nhiều biến đổi nho nhỏ về mặt hình thức để bắt kịp thị hiếu và gu thời trang hiện đại, những chiếc áo dài vẫn giữ được nguyên vẹn tinh thần dân tộc và hình dáng cơ bản.

Trong suốt chiều dài 4000 năm đấu tranh giành độc lập và chống ngoại xâm của Việt Nam, chiếc áo dài vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn như một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, trở thành quốc phục, niềm kiêu hãnh dân tộc, nhắc nhở mỗi người con đất Việt phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp ngàn đời để lại.

Ngoài chức năng che nắng che mưa, chiếc nón lá còn làm hoàn thiện hơn và tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, kín đáo, thanh thoát nhưng muôn phần quyến rũ. Cũng như chiếc áo dài, nón lá có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, vào khoảng 2500-3000 năm về trước, gắn liền với hình ảnh của người dân nước Việt. Người ta đội nón đi chợ, đi trẩy hội. Ngoài đồng, trong ngõ thấp thoáng những chiếc nón quai thao. Chiếc nón thay quạt làm mát vào những ngày hè oi bức. Chiếc nón như một kỷ vật gửi trao tình cảm của người mẹ ngày tiễn con gái đi lấy chồng. Chiếc nón đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, trở thành hình tượng tiêu biểu làm thi vị hóa hình ảnh người phụ nữ Việt: “Quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che”. Những giai điệu ấy đã khắc sâu vào lòng mỗi người con đất Việt ngay từ những ngày còn ẵm ngửa trong nôi, trở thành một thứ biểu tượng linh thiêng đại diện cho hồn Việt, hồn dân tộc.

Nón Việt có rất nhiều chủng loại, được phát triển lên theo thời gian, ngày càng trở nên tiện dụng và gần gũi hơn. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn phải kể đến nón lá. Từ nông thôn đến thành thị, không ai không sở hữu một chiếc nón lá. Nón lá vừa toát lên sự đoan trang, bình dị, vừa thể hiện một nét đẹp rất riêng, rất thu hút và quyến rũ.

Lịch sử áo dài và nón lá
Lịch sử áo dài và nón lá

Nón lá Việt Nam biểu tượng đặc sắc của người Việt

Khi nhắc tới Việt Nam là trong ấn tượng của người ta bất giác hiện lên hình ảnh chiếc nón nên thơ và tà áo dài phất phơ, đây chính là hình ảnh đặc thù rất Việt Nam về mặt trang phục. Chiếc nón và tà áo dài gắn liền dáng vóc thon thả của các thiếu nữ cũng đã trở thành phù hiệu mang tính tiêu chí về mặt thị giác đối với Việt Nam. Chẳng thế mà ai đó đã đặt cho Việt Nam cái tên gọi “Đất nước của những chiếc nón”.

Nón Việt Nam đã có bề dày lịch sử sâu đậm. Theo ghi chép thì ngay từ thế kỷ thứ XIII chiếc nón đã trở thành thứ vật trang sức làm đẹp cho cung tần mỹ nữ trong cung đình đời nhà Trần. Nhưng thời đó thì chiếc nón được tạo hình khá đơn sơ, đem lại cảm giác khá dày và nặng. Nón đã được cải tiến và không ngừng phát triển theo dòng chảy của lịch sử và ngày càng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng.

Xoay quanh chiếc nón đã để lại nhiều giai thoại, mà ấn tượng hơn cả là giai thoại về tình yêu. Chiếc nón Việt Nam gồm 16 đường vòng quanh vành nón, tại sao lại chỉ có 16 đường vòng? Tương truyền rằng các cô gái Việt Nam khi đã yêu một chàng trai nào đó thì sẽ tự tay đan nón để tặng và cùng chàng trai thưởng thức cảnh đêm trăng vằng vặc hôm 16 âm lịch.

Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ có giống cây cọ, bởi do ánh nắng chiếu xạ trong thời gian dài mà ngả sang màu trắng bạc. Người ta thường dùng loại lá này làm vật liệu để đan nón. Trước hết, lá cọ được làm trắng và phơi khô, sau đó được đan xếp trên chiếc vành khuôn tre theo từng lớp một và cuối cùng hình thành chiếc nón.

Nón Việt Nam dồi dào về chủng loại, trong lịch sử thì người cao tuổi, trẻ em, quan chức và binh sĩ đã từng sử dụng những loại nón khác nhau, với các vùng thì chiếc nón cũng thể hiện những nét đặc sắc riêng độc đáo của mình. Tại vùng biên giới tỉnh Cao Bằng thì thịnh hành loại nón được sơn màu đỏ; người miền Trung thì sử dụng chiếc nón nhẹ nhàng được đan bằng loại lá cây già. Ấn tượng hơn cả là chiếc nón ở xứ Huế, tạo hình nhẹ nhàng tinh xảo, bên cạnh khâu chọn vật liệu cầu kỳ, những người thợ đan nón còn vẽ tranh hay đề thơ giữa các lớp lá cọ trên vành nón. Cầm chiếc nón soi qua ánh nắng hiện lên rõ nét những đồ họa và bài thơ đề trên đó, cảm nhận được cái tứ thơ độc đáo qua chiếc nón, chẳng thế mà chiếc nón cũng được đặt luôn cho tên gọi là “Nón bài thơ”.

Các cô gái Việt Nam yêu thích chiếc nón và coi đó như thứ đồ trang sức cho bản thân. Và chiếc nón cũng mang đượm giá trị thẩm mỹ đặc thù, thường thì các cô gái sẽ lựa chọn chiếc nón tùy theo khuôn mặt, gam màu trang phục để hình thành một cái đẹp hài hòa chỉnh thể cho mình, và ngay cả quai nón cũng hết sức cầu kỳ, thường sử dụng vật liệu lụa mềm mại khiến cho cả chiếc nón tăng thêm cảm giác nhẹ nhàng và đầy linh cảm.

Trong lĩnh vực nghệ thuật thì cùng với tà áo dài, chiếc nón cũng đã trở thành nội dung không thể thiếu được trong những buổi biểu diễn thời trang làm tăng thêm vẻ thùy mị thướt tha của các cô gái Việt Nam. Các nhà nghệ thuật Việt Nam cũng phát hiện và khai thác giá trị thẩm mỹ qua sự kết hợp giữa chiếc nón với tà áo dài để hình thành điểm nhấn về cái đẹp trên sân khấu, khéo léo kết hợp một cách nghệ thuật, sáng tác ra nhiều chương trình biểu diễn giành được sự ưa chuộng rộng rãi của khán giả, và cũng thể hiện tính cách và nét đẹp thùy mị kín đáo của người phụ nữ Việt Nam.

Theo đà chuyển dịch của thời gian và sự phát triển của xã hội, một phần lớn những chiếc nón Việt Nam đã từ vai trò đội nắng che mưa chuyển dịch thành thứ đồ trang trí mang giá trị thẩm mỹ nghệ thuật; bên cạnh đó, cũng bởi do chiếc nón mang dấu ấn đậm đà sắc thái Việt Nam mà cũng đã trở thành thứ đồ lưu niệm về mặt văn hóa được bè bạn quốc tế ưa chuộng. Chiếc nón giản dị, đơn sơ mà bao hàm nhiều giá trị về văn hóa lịch sử Việt Nam, có lẽ đây cũng là nguyên do quan trọng khiến cho nó vẫn được lưu tồn và không ngừng phát triển trong thời đại tôn sùng sự thực dụng như ngày nay.

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ về lịch sử của của áo dài nón là và những thông tin về nón là, biểu tượng của người phụ nữ Việt. Mong rằng những chia sẻ này có thể giúp bạn biết thêm về những nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

Nón lá Việt Nam biểu tượng đặc sắc của người Việt
Nón lá Việt Nam biểu tượng đặc sắc của người Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *